1 Pham Thanh Toan_2018

Hỏi Và Đáp Với Phạm Thanh Toàn

15/01/2019

Phạm Thanh Toàn, sinh năm 1992, đã thể hiện khả năng và sự táo bạo của mình qua các tranh kích thước cực lớn. Toàn đã triển lãm cá nhân lần đầu tại CTG năm 2018 và sẽ đem bộ sưu tập của mình đến Mỹ cuối năm 2019. The Happening là dịp để người yêu nghệ thuật Sài Gòn một lần nữa xem các tác phẩm thú vị của hoạ sĩ trẻ này trước khi Toàn bắt đầu chuẩn bị cho triển lãm cá nhân của mình ở Mỹ.

CTG sẽ có bài viết chi tiết hơn về hoạ sĩ này và sự thực hành nghệ thuật của Toàn nhưng dưới đây là các câu hỏi cơ bản mở đầu quá trình giới thiệu hoàn chỉnh hiện hoạ sĩ trẻ tuổi rất tài năng này cho những ai chưa biết rõ về em.

Em sinh ra và lớn lên ở đâu?

“Em sinh ra và lớn lên tại Quảng Trường – Quảng Trạch, Quảng Bình – một miền quê, vùng núi, sông hiểm trở và nghèo, thiếu thốn mọi thứ. Mãi tới năm 18 tuổi em mới thật sự bước chân ra khỏi quê hương, và vào Sài Gòn để tự học nghề mình thích, cũng trải qua nhiều công việc em mới bước chân vào học Mỹ Thuật.”

Kí ức thời thơ ấu đầu đời của em?

“Những ký ức luôn tồn tại là lúc bé suốt ngày xuống đầm lầy để bắt cá, ốc về cho gia đình, hầu như những bữa ăn trong gia đình hằng ngày luôn có sự đóng góp của em. Em thường chơi các trò chơi dân gian với các bạn. Thường vẽ hình con gà, con chó dưới đất, hình ngôi nhà và hoa quả. Có một lần bố thấy biết vẽ, bố bảo vẽ lại chân dung bố và mẹ thời bố mẹ mới kết hôn. Bức vẽ được bố giữ lại và treo lên, một thời gian không bảo quản được nên nó hỏng. Lần đó bố có quà cho em.”

Lần đầu em sáng tác là khi nào?

“Lần đầu em vẽ là năm lớp 4, em vẽ một con sư tử hình kỷ hà, (gần lối vẽ của cụ Picaso). Tuy lúc đó không hề biết gì về hội họa. Về sau em thường vẽ các bức tranh hoa lúc lớp 7, lớp 8 và vẽ tranh tĩnh vật. Sau đó em ngưng hẳn việc vẽ vời tới lúc vào trường mỹ thuật học. Lúc đó em rất chăm vẽ sáng tác vào ban đêm tại ký túc xá. Bức đầu tiên vẽ một cô gái bơi với đàn cá dưới đại dương. Bức thức hai là vẽ chân dung ông nội mình.”

Lần đầu em biết mình muốn làm hoạ sĩ là khi nào?

“Một ngày buồn em lang thang trên đường, bỗng thấy phòng tranh của trường Đại Học Mỹ Thuật số 5 Phan Đăng Lưu đang trưng bày. Em đã bước vào xem, vì hồi bé cũng thích học vẽ. Bước vào thì thích ngay. Và em lên các lớp học xem các anh, chị sinh viên học rất thích. Khi về lại gác trọ, em quyết định nghỉ học bên trường quân đội để theo học bên Hội Họa vì thích được vẽ, và làm họa sĩ.”

Trong tất cả tranh em đã vẽ cho đến nay, em có một hoặc hai bức mà em đặc biệt tự hào không?

“Bức đầu tiên mà em luôn nhớ là bức Tiếng Chuông Chiều. Tranh được thực hiện lúc em mới bước chân vào trường Đại Học Mỹ Thuật, hiện đang nằm trong bộ sưu tập nhà sưu tập Châu Á, bán năm 2014 tại Hàn Quốc.

Untitled

Phạm Thanh Toàn, Tiếng Chuông Chiều

Nó đáng nhớ bởi đó là bức tranh đầu tiên em vẽ trong trường, nhưng nó có một câu chuyện là 2/3 giảng viên trong trường không tin em vẽ bức tranh trên. Vì lúc đấy em học năm nhất, nên các thầy cô không chấm bài và nghĩ là có người khác vẽ hộ em. Và em phải thực hiện lại bài khác. Về sau các thầy cô xin lỗi vì đã không tin em. Bức tranh thực hiện lại chấm điểm tuyệt đối.

Bức thứ hai là bức Ngang Qua Thánh Địa. Lúc em thực hiện tác phẩm em cũng chưa biết lúc thực hiện xong nó như thế nào. Nhưng tranh cứ lôi em vào thế giới của nó, em bị cuốn vào trong, như một giấc mộng. Lúc thực hiện xong có những đoạn em cũng không hiểu vì sao nó được như vậy, đặc biệt khu vực đèn chùm. Sau khi thực hiện xong em đăng hình tranh lên facebook thì ngay lập tức có một vị Cha xứ nhà thờ hỏi mua. Và một nhà sưu tập tranh công giáo hỏi mua. Em rất bất ngờ. Vì bức tranh có những sự ám ảnh nhưng Cha xứ lại muốn sở hữu. Ông ấy nói nó có sự thánh thiện vô cùng ẩn phía sau bức tranh.”

Ngang-Qua-Thanh-Dia_.-300-250-cm-(2)

Phạm Thanh Toàn, Ngang Qua Thánh Địa

Em dường như có kiến thức về lịch sử mỹ thuật rất tốt. Làm sao em có được hiểu biết rộng như vậy?

“Cái em muốn là trở thành một nghệ sĩ để cống hiến. Trường đào tạo về cơ bản rất tốt, từ cái căn bản được học em bắt đầu xem những cuốn sách về hội họa của Châu Âu để học hỏi các danh họa. Em xem những bài viết về cuộc đời của từng nghệ sĩ để ngày càng hiểu về con đường mình đã chọn. Mãi về sau có công nghệ, em xem qua Instagram và google tìm kiếm các nghệ sĩ đương đại bậc nhất các nước như Đức, Mỹ, Trung Quốc và cảm nhận trào lưu đương đại hiện tại đang trôi chảy theo hướng nào để mình nhập vào đó”

Em có tiếp tục nghiên cứu và điều này có ảnh hưởng đến công việc em đang làm như thế nào?

“Em vẫn luôn luôn nghiên cứu vì em còn quá trẻ, em sẽ thử nghiệm rất nhiều. Em không muốn mình dừng lại ở việc nghiên cứu và sáng tạo, vì đấy sẽ là tự nhốt mình lại. Em muốn học và áp dụng nó trong sáng tạo kết hợp với kỷ năng hội họa cơ bản có trong em. Chỉ có như vậy em mới tìm thấy thứ em cần.”

Em có suy nghĩ là em thích vị trí nghề nghiệp của mình sẽ ở đâu trong vòng 5 hoặc 10 năm tới không?

“Em luôn đặt câu hỏi về điều này. Em tin rằng chỉ cần có mục tiêu và lên kế hoạch cùng đối tác, kết hợp cách làm việc nghiêm túc thì mục tiêu sẽ có kết quả tốt. Em muốn phấn đấu để có cơ hội đưa tranh mình có mặt trong những bảo tàng đương đại quốc tế như Đức, Mỹ, Singapore ….và trong các bộ sưu tập của các nhà sưu tập lớn trên thế giới. Em muốn em và Craig Thomas Gallery sẽ cùng nhau làm điều đó. Và nếu có thể, em muốn là hoạ sĩ có tầm ảnh hưởng với các họa sĩ trẻ trong nước và ngoài nước về sức hút của một nghệ sĩ đương đại.”