nguyen-tuan-dung_ban-bo_friend-of-dad_2016_acrylic-on-canvas_90-x-140-cm

Triển lãm cá nhân tranh acrylic giấy dán của hoạ sỹ Hà Nội Nguyễn Tuấn Dũng

05/12/2016

Câu Chuyện Của Tôi, triển lãm cá nhân các tranh acrylic giấy dán của hoạ sỹ Hà Nội Nguyễn Tuấn Dũng. Khai mạc triển lãm Câu Chuyện Của Tôi sẽ diễn ra tại CTG Trần Nhật Duật, Thành phố Hồ Chí Minh vào thứ Năm, 8 tháng 12 năm 2016, 18-21 giờ

Nguyễn Tuấn Dũng (1990), hoạ sỹ trẻ tài năng, sống và làm việc tại Hà Nội, sẽ có triển lãm cá nhân đầu tiên với CT Gallery ở Sài Gòn. Để chuẩn bị cho khai mạc triển lãm sắp đến, chúng tôi đặt một số câu hỏi phía dưới cho Dũng về bộ sưu tập Câu Chuyện Của Tôi, động lực, và những ảnh hưởng sáng tác của hoạ sỹ.

ntd_dad-s-friend_ban-bo_2016_acrylic-collage-on-canvas_90-x-140cm

Bạn Bố – 2016 Acrylic, giấy dán trên vải bố 90 x 140 cm

Em có thể kể về gia đình mình và cuộc sống của em lớn lên như thế nào không?

“Em sinh ra ở Thanh Hóa – thuộc Vùng Bắc Trung Bộ. Gia đình em làm nông nghiệp là chính. Em được gia đình ủng hộ cho học mỹ thuật từ sau khi tốt nghiệp cấp 3, tiếp tục học cao đẳng, Đại Học về mỹ thuật. Tuổi thơ bên gia đình luôn là nguồn cảm hứng, và là đề tài có ảnh hưởng lớn nhất đến những tác phẩm đầu trong bộ tranh lần này em ra mắt.”

Tại sao em chọn vẽ xe đạp thường xuyên như vậy, và tại sao em gọi chúng là “Người Bạn”?

“Bộ tranh lần này, là những hình ảnh gần như quen thuộc với rất nhiều người, và đối với em, em có rất nhiều cảm hứng, cảm xúc để có thể đưa vào những sáng tác của mình. Trong đó em đặc biệt có nhiều ấn tượng với những chiếc xe đạp, và em vẽ khá nhiều xe đạp. Bởi vì em có nhiều kỷ niệm gắn liền với chiếc xe đạp. Ví dụ như: Chiếc xe nam Phượng Hoàng của bố mẹ em để lại, nó gắn liền với bố mẹ em từ lúc mới quen nhau, xong cũng từ đó là phương tiện để bố mẹ bươn chải rất nhiều nghề phụ để kiếm tiền nuôi ba chị em ăn học, và trưởng thành như ngày hôm nay.

Em nghĩ rộng ra thì xe đạp cũng là phương tiện đi lại quen thuộc đối với người Việt Nam, và đặc biệt là những người lao động nghèo, là phương tiện chính giúp họ có công việc kiếm tiền bươn chải với cuộc sống. Nó cũng như là những người bạn quen thuộc với họ. Nên em chọn vẽ vì có những cảm xúc thật đặc biệt.  Và gọi đó là “Người Bạn”, để ghi lại những hình ảnh quen thuộc và đẹp đẽ đó. Vì em biết chắc trong thời gian không xa nữa, những phương tiện khác cũng sẽ thay thế, rồi những chiếc xe đạp cũng dần dần ít và có thể không còn, mà chỉ còn trong tâm tưởng và kỉ niệm của mọi người.”

Tại sao em chọn trở thành hoạ sỹ?

“Em luôn thích thú với công việc vẽ tranh của em hiện tại, và ưu tiên nhiều thời gian cho vẽ tranh. Nói như giới trẻ bây giờ là “Mình thích thì mình vẽ thôi ạ.” Em nghĩ phải luôn phấn đấu nhiều nữa thì mới có thể đúng với danh hiệu họa sĩ. Em chọn vẽ tranh và có lẽ sẽ theo tới cùng, vì em thật sự thích nghề này.”

ntd_toi_me_2016_acrylic-on-canvas_80-x-150-cm

Tôi – 2016 – Acrylic trên vải bố 80 x 150 cm

Giấy dán dường như là chất liệu khó sáng tác. Tại sao em chọn chất liệu này mà không phải là tranh trên vải bố?

“Em chọn vẽ trên giấy báo vì em thấy có rất nhiều điều hay trên những mặt báo. Qua nhiều lần thử nghiệm nhiều chất liệu, thì em thấy mình hợp với vẽ trên báo trong series tranh này, và trong thời gian này. Mặc dù chất liệu này khó xử lý và khó sáng tác. Hiện tại thì em vẫn đang thử nghiệm thêm nhiều chất liệu, để có thể có thêm nhiều sáng tác mới đa dạng hơn, như sơn dầu, lụa.”

Những câu chuyện và tiêu đề báo mà em chọn để vẽ lên có tầm quan trọng như thế nào? Em chọn chúng ngẫu nhiên hay có ý nghĩa sâu xa hơn?

“Có nhiều lần em chọn báo vẽ là ngẫu nhiên, có những tiêu đề báo ngẫu nhiên, nhưng đôi khi vẽ lại thấy có phần thích hợp. Còn đa số báo là do em chọn lọc về nội dung và hình ảnh, để phù hợp với hình ảnh trong tranh của mình hơn.  Đầu tiên đó là những dòng chữ, hay hình ảnh trên báo như là một bề mặt sẵn rất bắt mắt và lạ khi đưa kết hợp với ngôn ngữ hội họa của em. Ngoài ra những title trên báo, nội dung trên báo mang tính thời sự và có tính thời đại, cũng là một dụng ý của em khi đưa vào những sáng tác, để đưa rõ ý đồ hơn tới người xem.”

Cảm hứng sáng tác của em đến từ đâu?

“Cảm hứng, và ý tưởng cho tác phẩm có thể đến bất chợt, hoặc là ý đồ muốn vẽ cái gì. Nguồn cảm hứng ảnh hưởng nhất tới tác phẩm của em, đó là những hình ảnh về tuổi thơ, về gia đình và những điều thân thuộc trong cuộc sống của em hằng ngày. Qua đó em muốn đưa câu chuyện từ cá nhân, để cùng liên kết với câu chuyện của xã hội, câu chuyện của tuổi thơ của quá khứ liên kết với câu chuyện của hiện tại và tương lai.”

“Ví dụ: Trong một bức vẽ xe đạp, em luôn đưa những hình ảnh kèm theo khác, như chiếc nón lá, mũ cối, giỏ, hay mới đây nhất là chiếc bóng bay…cũng bắt nguồn cảm hứng từ những kỉ niệm của bản thân, từ ngày xưa, cho ý tưởng và đưa ra hình ảnh sao cho hợp lý nhất mà vẫn rõ câu chuyện của em trong đó. Xe đạp là từ câu chuyện của em, nhưng em muốn người xem có cái nhìn gần gũi mà thân quen, như chính hình ảnh câu chuyện của họ vậy.  Vì đã có rất nhiều họa sĩ vẽ xe đạp, nhưng em muốn để lại một chút dấu ấn khác lạ hơn, và có yếu tố thân quen đặc trưng với người Việt Nam hơn.”

ntd_shrimp-story_chuyen-tom_2016_acrylic-collage-on-canvas_40-x-40cm

Chuyện Của Tôm – 2016 – Acrylic, giấy dán trên vải bố 40 x 40 cm

“Cảm hứng nhiều khi là những câu chuyện hằng ngày, những câu chuyện “nóng”, có thể do vô tình xem trên tivi, xem trên báo, từ đó có ý tưởng và bắt tay vào thực hiện. Vì em nghĩ là người họa sĩ cần bắt kịp với thời đại, và cần đưa ra tiếng nói của mình để hòa nhập với thời đại, để tạo nên những điều có ích cho xã hội mà mình đang sống bằng chính ngôn ngữ của hội họa.”

Có điều gì em muốn nói với người xem hay có điều gì đặc biệt muốn người xem cảm nhận khi họ xem tác phẩm của em.

“Đam mê và vẽ theo đúng sở trường, tính cách và cảm xúc của mình, nên em mong người xem sẽ đồng cảm với những gì em muốn gửi gắm qua tác phẩm của em. Đó có thể là cảm giác vui, thích thú khi thấy một sự gần gũi gì đó giống tác giả, mà mình đã từng trải qua, hay có thể đồng cảm với những suy tư, trầm bổng, hay những trăn trở cùng tác giả.”

  • Khai mạc triển lãm: Thứ Năm, 8 tháng 12 năm 2016, 18-21 giờThời gian triển lãm: 8 tháng 12 – 31 tháng 12 năm 2016Địa điểm: Craig Thomas Gallery27(i) Trần Nhật Duật, Tân Định, Quận 1 Thành phố Hồ Chí MinhWebsite: www.cthomasgallery.com

Nguồn : www.doanhnhancuoituan.com.vn