LKKT_Anh Sang_Englightment_2021_Oil on canvas_90 x 120 cm

An Gia

30/04/2022

Trong hai thập niên qua, Lim Khim Katy đã miệt mài vẽ tranh với niềm đam mê và sự tận tuỵ mà có lẽ chỉ một số ít người hiểu rất rõ về cô mới đánh giá đầy đủ được. Tuy nhiên khi xem lại từng bức tranh, cũng như toàn bộ tác phẩm mà Katy vẽ từ năm 2002 cho đến nay, chúng lại đại diện cho một thành quả ấn tượng và xuyên suốt, mà chỉ một nghệ sĩ tài năng, có kỷ luật mới có thể đạt được. Katy sống và làm việc tại Sài Gòn từ khi bắt đầu sự nghiệp hoạ sĩ cho đến nay. Cô đã dùng tranh vẽ để ghi chép lại cuộc sống đương đại của đô thị năng động nhất miền Nam – Sài Gòn, và việc ghi chép này vẫn tiếp tục tiến hoá và mở rộng.

Khởi đầu như sự ghi lại lịch sử đời sống và những khó khăn ở một số khu vực còn nghèo của vùng nông thôn, Sài Gòn, và đồng bằng sông Cửu Long lân cận, các sáng tác của Katy ngày càng tập trung vào những gì đang xảy ra trong đời sống xung quanh cô. Mười bốn tranh gần đây nhất trong bộ sưu tập An Gia của Katy chủ yếu miêu tả cảnh gia đình an vui, đem đến cho người xem cảm giác ấm áp, vui tươi. Katy luôn thể hiện nhiều tình cảm cho các nhân vật trong tác phẩm mình, nhưng với các bức vẽ mới nhất của hoạ sĩ, khá rõ là cô yêu những con người trong loạt tranh này.

Katy đồng ý với nhận định rằng bức tranh “Bỏ Của Lấy Người” vẽ năm 2015 đại diện cho một trong những tác phẩm thú vị và hài lòng nhất của cô cho đến nay. Trên tấm vải bố lớn, ba người mặc quần áo có vẻ rất cũ được vẽ tỉ mỉ với kích thước gần bằng người thật, vội vã bỏ chạy khỏi một mối đe dọa nào đó nằm ngoài thông số của tấm bạt. Một trong ba người ôm hai quả sầu riêng hai bên hông, trong khi hai người còn lại chộp lấy một chiếc ghế đẩu con và một cái giỏ xách; ba nhân vật được miêu tả đang cùng chạy như bay khỏi một mối đe dọa vô hình. Bên cạnh sự mãn nhãn về thị giác, “Bỏ Của Lấy Người” còn là một bài kiểm tra tâm lý Rorschach với người xem. Những ai biết về thành phố này, về người dân sống ở đây sẽ hiểu chính xác động cơ của những người đang bỏ chạy, trong khi những người khác thường rơi vào trạng thái không biết câu chuyện phía sau cảnh tượng kia là gì. Katy đang ghi lại những điều đang thật sự diễn ra trong cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo Việt Nam, thường vốn không phải là chủ đề của các nghệ sĩ đương đại trong nước.

Katy có khả năng sử dụng kỹ năng, và kỹ thuật để tạo nên những hiệu ứng tuyệt vời. Khả năng này càng thể hiện rõ hơn trong bộ tranh hiện thực mới nhất lần này. Katy cho biết: “Những loạt tranh tôi vẽ từ năm 2019 đến nay là những bức tranh tuyệt vời nhất của tôi cho đến nay. Trước đây khi còn non trẻ trong kỹ thuật, thị giác và học thuật đã không chấp cánh cho tôi thực hiện được. Phải vẽ thật nhiều, trải nghiệm nhiều, đọc sách nhiều, nhạy cảm và tổn thương nhiều từ cuộc sống thì những yếu tố đó mới thẩm thấu đủ đầy đến lòng trắc ẩn để tôi tạo nên những bức hoạ như ý hôm nay.”

Trong số các bức vẽ của bộ sưu tập mới, “Đời Vui” có thể xem là ví dụ nổi bật cho sự xuất sắc về kỹ thuật của Katy thể hiện trong tranh. Một bé gái đang ngủ, con chó nép vào người em, các nhân vật trong bức vẽ tạo cảm giác gần như một bức ảnh chụp cận cảnh. Đây là sáng tác của một nghệ sĩ thật sự làm chủ được tất cả các yếu tố trong nghề của mình. Quá trình sáng tác của Katy có sự cân nhắc nhưng không quá tính toán. Cách miêu tả của hoạ sĩ đa dạng, mang tính tường thuật nhưng không tiểu tiết hay rối rắm khó hiểu. Đa số các tranh Katy vẽ trong mười năm qua, hoặc phần nhiều các đề tài trong tranh cô có liên quan đến một hoặc hai hoạt động đơn giản và cơ bản của con người là ăn và ngủ.

Kể về quá trình sáng tác, Katy chia sẻ: “Trước đây tôi vẽ bằng bay vẽ đơn giản hơn, phóng khoáng và không mất nhiều giờ vì sự ngẫu nhiên của dụng cụ tự nó đã tạo ra nhiều hiệu quả cái đẹp vốn có. Nhưng với cọ tôi dùng trong bộ tranh này thì đòi hỏi thời gian nhiều hơn. Nó đòi hỏi sự quan sát tinh tế màu sắc, sáng tối của mắt, sự khéo léo của bàn tay, trí năng phân tích học thuật và cảm xúc của trái tim, tất cả phải kết hợp đồng điệu, thống nhất với nhau mỗi ngày trong quá trình tạo nên bức tranh. Khó nhất là sự kiên nhẫn chờ đợi kết quả cuối cùng của bức vẽ, bởi tôi vẽ mà không làm phác thảo trước theo cơ bản học.”

Khi bày tỏ bản thân rất ngưỡng mộ các họa sĩ thời kỳ Phục Hưng của Châu Âu, Katy bảo cô khá hài lòng khi nhận ra mình có chung “ngôn ngữ nghệ thuật” với họa sĩ vẽ minh họa vĩ đại người Mỹ vào thế kỷ 20 Norman Rockwell. Đã có sự so sánh trước đây và điều đó cũng đáng đặt câu hỏi. Giống như Rockwell, tranh của Katy có thể được gọi là một hình thức “chủ nghĩa hiện thực hoài cổ” và thường phản ánh sự vui tươi, hài hước. Cô vừa có thể làm được điều đó, vừa tránh không bị sa vào sự sáo rỗng, uỷ mị. Katy cố gắng tránh phụ thuộc vào hình mẫu các nhân vật thường thấy trên báo chí, thay vào đó tranh cô giới thiệu đến người xem những nhân vật thực trong đời sống.

Dù Katy đã làm việc với tư cách là một hoạ sĩ chuyên nghiệp được hai mươi năm, theo định nghĩa, gần đây cô chỉ mới đang chuyển từ giai đoạn nghệ sĩ trẻ sang giai đoạn giữa sự nghiệp – còn trẻ nhưng đã đạt một số thành công nhất định về nghề nghiệp. Về mặt nghệ thuật, Katy nhận định bản thân luôn đam mê vẽ tranh mỗi ngày với “sự phấn khởi và hân hoan”. Cô cho biết: “Tôi đang trên con đường khám phá những bí ẩn hội hoạ trong tôi và tôi luôn cảm thấy thi vị với những hình ảnh tôi vẽ ra. Khi tôi hoàn thành một bức tranh xong, tôi lại có cảm hứng mới cho bức tranh tiếp theo. Cứ thế, qua hai mươi năm tôi vẫn tiếp tục trăn trở hoàn chỉnh tác phẩm của mình qua từng giai đoạn.” Tài năng và sự quyết tâm của Katy củng cố thêm sự tin tưởng mạnh mẽ rằng hoạ sĩ sẽ tiếp tục đem đến cảm giác thích thú cho cộng đồng nghệ thuật bằng các tác phẩm nổi bật của cô trong những năm tiếp theo.

Craig Thomas

24 tháng 4 năm 2022