1TMT_-Vua-Duy-Tan-va-Ba-Ho-Thi-Chi_-KIng-Duy-Tan-Madame-Ho-Thi-Chi-2017-Oil-lacquer-on-wood-91-x-122-cm

Bài Luận Giám Tuyển Triển Lãm Nhà Nguyễn II

21/11/2017

TMT_Nam Phuong Hoang Hau_Empress Nam Phuong_ 2017_Oil, lacquer on wood_122 x 122 cm

Trần Minh Tâm, Nam Phương Hoàng Hậu, Empress Nam Phuong, 2017, 2017, Oil, lacquer on wood, Sơn dầu, sơn mài trên gỗ, 122 x 122 cm

Lần đầu tiên công chúng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập biết đến những tác phẩm vẽ chân dung vua chúa nhà Nguyễn của hoạ sỹ Trần Minh Tâm là vào năm 2013, khi anh ra mắt triển lãm cá nhân Nhà Nguyễn I tại Craig Thomas Gallery. Rất nhiều nhân vật lịch sử thuộc gia tộc nhà Nguyễn, theo Tâm, “đã quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam rồi.” Tuy vậy, trong suốt bốn năm hậu-Nhà Nguyễn I, Tâm vẫn miệt mài sưu tập tư liệu về triều đại cuối cùng của Việt Nam. Và kết quả từ những khảo nghiệm, tìm tòi đó là bộ tranh Nhà Nguyễn II năm 2017, được sáng tạo trên chất liệu gỗ cùng sự kết hợp giữa sơn dầu và sơn mài truyền thống.

Về bản chất, Nhà Nguyễn II là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của hoạ sĩ để diễn tả một quá khứ vàng son mà nay đã quá xa vời trong tâm thức của người Việt Nam đương đại. Nhưng Tâm không chỉ đơn thuần là vẽ lại lịch sử. Như với bộ sưu tập đầu tiên, anh luôn cố gắng tái hiện chính xác nhất tất cả chi tiết về chủ thể như giải phẫu cơ thể hay hoạ tiết trang phục hoàng gia thời bấy giờ. Tuy nhiên, điếm sáng ở bộ sưu tập lần này còn có sự nâng cao trong nghệ thuật kể chuyện được Tâm bắt đầu thử nghiệm từ sau Nhà Nguyễn I, đặc biệt qua sáng tạo tạo hình có chủ ý, từ những khía cạnh lớn của tranh như quyết định nhân vật đến những gợi ý tinh tế hơn ở bố cục hay những chi tiết nhỏ trong tranh.

Dấu tích của triều đại nhà Nguyễn vẫn còn lưu lại tại thành phố Huế, kinh đô của Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1945. Đã nhiều lần thăm viếng cố đô nhưng lần nào Trần Minh Tâm cũng bị lôi cuốn bởi sự nguy nga tráng lệ của quần thể kiến trúc cung đình đã tồn tại một trăm năm về trước. “Mối quan hệ giữa người và cảnh là rất thật. Tôi luôn cảm nhận một sự nhung nhớ dành cho những con người đã một thời sống trong không gian tráng lệ này.” Tâm theo bản năng lấp đầy sự trống trải trong khoảng không gian không người này,nhưng sẽ thật thiếu sót nếu kết luận anh chỉ đơn thuần dựa vào những truyền thuyết dân gian mà tái hiện lại lịch sử.

Thay vì chỉ tạo ra một cảnh trực quan mô phỏng theo đúng các câu chuyện dân gian và điển tích lịch sử, Tâm khéo léo vận dụng trí tưởng tượng và tư duy nghệ thuật để lột tả chiều sâu trong tính cách của những nhân vật mà anh chọn vẽ. Tranh của Tâm không nói về chính trị như bao cuốn sách về triều Nguyễn, mà tập trung kéo độc giả lại gần hơn với những nhân vật hoàng gia, tuy lộng lẫy và quyền thế nhưng cũng không tránh khỏi những trải nghiệm cảm xúc rất “người” như vui, buồn, nhung nhớ, tình yêu và cả sự mất mát. Một ví dụ điển hình là bức Vua Duy Tân và bà Hồ Thị Chỉ, thay vì nhấn mạnh vào vị vua nổi tiếng, bức tranh dồn sự tập trung vào người phụ nữ trước nay vẫn mang vai phụ. Trong khi vua Duy Tân xuất hiện như một chiếc bóng đằng sau vai, Hồ Thị Chỉ được đưa lên làm trọng tâm, bắt mắt người xem trong tà áo dài màu ngọc bích, cùng điểm nhấn là chú công rực rỡ kế bên, biểu tượng cho đức hạnh, duyên dáng, thanh nhã, cũng như là biểu trưng cho Phượng Hoàng, bậc mẫu nghi thiên hạ. Bức tranh mang đến cho người xem sự cảm thương cho người phụ nữ bạc mệnh, dù nổi tiếng tài sắc và phẩm hạnh, bà vẫn là nạn nhân của sự đau khổ và lụi tàn như định mệnh của rất nhiều người phụ nữ dưới thời đại phong kiến loạn lạc.

Với Nhà Nguyễn I, Tâm vẽ chân dung trên các mặt bàn, tủ, cửa ra vào và các tấm bình phong cũ bị bỏ đi. Còn lần này, anh tự chế tác hoàn toàn các mặt gỗ theo ý muốn của mình. “Hồi đó sưu tập đồ cổ rồi vẽ lên thì tranh phải theo cái kích cỡ của đồ cổ, còn bây giờ thì thoải mái về kích thước của tranh hơn. Hay chỉ đơn giản vì gỗ mới làm cho cảnh quan cung đình thêm lộng lẫy.” Tác phẩm và lời nói của Tâm thể hiện quan điểm của một nghệ sĩ đương đại, trong đó sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật là tất yếu, ngay cả khi làm việc với những chủ đề thật trong lịch sử.

“Loạt tranh này có thể hiểu như là cách người đương thời nhìn về lịch sử,” Tâm phản ánh suy nghĩ của anh về bộ sưu tập Nhà Nguyễn II. Trong tương lai, anh muốn thử thách bản thân với những dự án đầy tham vọng như vẽ chân dung của những vị vua đầu của triều Nguyễn, tham khảo hoàn toàn từ nguồn tư liệu dân gian ít ỏi, hoặc tái hiện lại cảnh đám cưới của Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu. Trước đó, hãy đến Craig Thomas Gallery và tham gia cuộc hành trình quay ngược thời gian với Nhà Nguyễn II, đồng thời chiêm ngưỡng nghệ thuật sơn mài truyền thống thực hiện bởi bàn tay của một hoạ sĩ đương đại về những chủ đề hiện thực bước ra từ lịch sử Việt Nam.

Trịnh Phương Trang