Nguyen Cam_Hoang Ha_Fleuve Jaune Yellow River_2015_Mixed media on canvas_162 x 194 cm

Mảnh Đời

20/10/2019

Câu chuyện của bất cứ hoạ sĩ nào có sự nghiệp thành công lâu năm dường như thường liên quan đến việc vượt qua những trở ngại và sự biến đổi liên tục trong thực hành nghệ thuật, những điều này ám chỉ tài năng ấn tượng và quyết tâm lớn của người nghệ sĩ. Ngoài những thách thức nghệ thuật thường thấy này, Nguyên Cầm đã phải đối mặt với những thử thách và nghịch cảnh tương đối đặc biệt với hoạ sĩ thế hệ ông, sinh ra ở đất nước có những mâu thuẫn đa thế hệ đầy căng thẳng. Lần đầu, ông di dân từ Việt Nam sang Lào cùng gia đình vào cuối những năm 1950, Nguyên Cầm đã ở Viên Chăn trong gần một thập niên tiếp theo, nơi mà cũng bom rơi đạn lạc như ở quê hương ông. Do cha bị bệnh, Nguyên Cầm dù tuổi đời còn trẻ, chỉ là một thanh thiếu niên chưa được đào tạo nghệ thuật chính qui, buộc phải sử dụng tài năng vẽ tranh sẵn có để vẽ chân dung kiếm tiền phụ giúp cả gia đình, ông thậm chí còn mở được phòng tranh đầu tiên ở Viên Chăn.

Ở tuổi hai mươi lăm, Nguyên Cầm thực hiện chuyến di dân thứ hai từ Đông Nam Á sang Paris. Ông nói: “Nếu tôi tiếp tục xem hình tác phẩm của những hoạ sĩ khác, tôi sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Nhưng nếu tôi đến nơi mà các hoạ sĩ lớn đó đã sống, và sống như họ, tôi mới có thể khác, và tìm được đường đi của mình”. Nhiều hoạ sĩ, trong đó có George Orwell, hoạ sĩ người Anh, chấp nhận làm công việc lao động chân tay để theo đuổi giấc mơ hoạ sĩ của mình. Nguyên Cầm cũng thế. Ông làm công việc rửa bát cho nhà hàng ở Pháp để có thể đi học trường mỹ thuật Paris. Về sau, ông tìm được công việc vẽ quảng cáo vào ban đêm, trong một xưởng vẽ dưới tầng hầm vừa lạnh vừa tối, để có tiền chi trả cho việc học. Nguyên Cầm nhớ lại những năm đi học như thử thách bản thân với nụ cười hóm hỉnh, ông miêu tả thời gian này là những năm tháng đẹp nhất đời, dù đời sống sinh viên thường túng thiếu.

Sau hơn hai thập niên có sự nghiệp thành công với các triển lãm tại Paris, các thành phố miền Nam nước Pháp, và Tây Ban Nha, Nguyên Cầm lần đầu trở lại quê hương năm 1994, theo lời mời của Hội Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Dù quyết định không trở lại sống tại Việt Nam, nhưng Nguyên Cầm thường xuyên đi về Việt Nam, và ông cũng chấp nhận lời mời giảng dạy tại Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội. Với vai trò giảng dạy, ông có thể giúp nhiều hoạ sĩ Việt Nam hiểu sâu hơn về các dòng chảy hiện đại của mỹ thuật thế giới, tại thời điểm đất nước vừa mới mở cửa lại với thế giới và internet vẫn chưa bùng nổ. Cũng trong những năm đầu này, Nguyên Cầm đã gặp gỡ và hợp tác hơn hai thập niên với Suzanne Lecht, người sáng lập Art Vietnam Gallery, một phòng tranh tiên phong ở Hà Nội. Cả hai đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm giới thiệu tác phẩm của Nguyên Cầm ở Việt Nam và Hoa Kỳ.

Với bộ sưu tập lần này, Nguyên Cầm thể hiện tài năng của một hoạ sĩ đã chín, có thể buông bỏ những thứ hào nhoáng nhằm thu hút sự chú ý, ông tinh lọc, làm cho tác phẩm giản dị, nhẹ nhàng nhưng tinh tế. Ông giao tiếp với người xem qua những nét cọ táo bạo và tự tin trên mặt tranh. Đó là ngôn ngữ riêng của hoạ sĩ. Nhiều tác phẩm là thư pháp, liên tưởng đến thời kì khi con người lần đầu dùng hình ảnh để biểu đạt nghĩa, mà về sau dần phát triển thành các ngôn ngữ viết hiện đại của chúng ta. Nguyên Cầm cho biết: “Thư pháp của tôi trở về cái gốc của thư pháp, mà cái gốc của thư pháp là phong cảnh. Ví dụ như tiếng Trung cổ muốn nói mặt trời thì vẽ một vòng tròn và đường chân trời ở giữa. Thư pháp đã biến đổi nhưng tác phẩm của tôi là trở về thời kì trước khi có những thay đổi đó.”