Viết Tặng Lim Khim Katy
Tuesday June 12th, 2018Các tác phẩm của Lim Khim Katy là sự pha trộn bất thường, khó nắm bắt, của nhiều phong cách hội họa, từ hiện thực, biểu hiện đến siêu thực, phát triển trong mối quan hệ kín đáo và có chừng mực giữa nghệ thuật hàn lâm và “pop-art”, giữa thực tại nhạy cảm và đời sống nội tâm của con người.
Sinh ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong gia đình, Lim Khim Katy là người con duy nhất trong số năm người con nối theo nghiệp cha – một họa sĩ “chính quy”, gốc người Campuchia, sống bằng nghề chép tranh. Mẹ Katy người Việt, gốc Bắc, quê Nam Định.
“…Năm 2001- Katy kể – tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm, mà cũng không biết làm gì, nên ở nhà phụ ba chép tranh, vào ban ngày. Tối đến, thức khuya một chút, để vẽ, những gì mình suy niệm, những gì mình trăn trở… Đó là thời gian sung sướng nhất, vì mình có thể trải lòng mình trên tấm toan, chỉ mình và toan.”
“… Ba năm sau – Katy kể tiếp – triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Hà Nội. Từ đó, sự nghiệp sáng tác đi vào chuyên nghiệp.”
Về khuynh hướng nghệ thuật, Katy nói: “Đi vào đời sống thường nhật của những người lao động nghèo. Gặp, lắng nghe những câu chuyện, những tâm sự, những khó khăn của họ… – để rồi chuyển tải những điều đó lên tranh, bằng tâm hồn và nội lực của chính mình.”
Sớm trải nghiệm học vấn nhà trường thông qua các đề tài đặc trưng giai thoại, trên những “pastorales”, như: Nghỉ trưa, Thư xa, Chuyện đàn bà, Đàn bà nói chuyện đàn ông – Lim Khim Katy, trên thực tế, đã vượt qua rất nhanh ảnh hưởng thường thấy của “những hình thái đã định sẵn” (formes écrites) – và, bắt đầu từ những Sự im lặng (2001), Biển đen (2005), cho đến loạt tranh gần đây: Luật mới, Những người lái xe ôm, Cuối ngày, Lụt hoặc Làm dâu, Tâm sự, hoặc những bức tranh phong cảnh: Sau cơn mưa, Trưa vắng, v.v. – có thể nói, Katy đã trở thành một họa sĩ hy hữu, có vị trí đặc biệt ở phía Nam – người thể hiện được một cách độc đáo và chân xác cái thần, chất thơ, những thoáng nghiệt ngã của thiên nhiên, môi trường và của cuộc sống thực của con người, “con người sống, với niềm vui, sự đau khổ, lòng kiêu hãnh, phản xạ, cảm xúc, cơ bắp” (như Courbet từng nói) – mà tất cả, về thực chất, chủ yếu đều bị chi phối bởi một nền tảng, không gì khác, ngoài “nền kinh tế hộ gia đình” (household economy), ở nông thôn, và thậm chí, ở thành thị nước ta hiện nay.
Những đám đông, những tốp người, trên tranh Lim Khim Katy – hẳn không phải là những “đám đông cô đơn” như trong cách nhìn của triết học phê phán. Họ dường như có chung một phương thức sống, có chung một mục đích sống, chung một nhân sinh quan, giống như biết bao người. Đôi khi, các nhân vật – hình tượng, cứ trở đi trở lại, trong những bố cục xây dựng theo lối “dàn trang in” và phối cảnh trực diện (perspective frontale) – bỗng hiện lên như là “những cột trụ khiêm nhường của sự sống”.
Là một họa sĩ có nhãn lực và trực giác nhạy bén, lại có biệt tài điều khiển nét bút thật đậm, chắc, khi quánh ngọt, khi xù xì, gân guốc – Lim Khim Katy đặc biệt hay ở những nét phá ngang trên ranh giới hình và nền, làm rung rinh ảo giác về không gian. Trắng và đen thường đóng vai trò tác nhân chủ đạo về “thấu thị” (visionnaire), phối hợp với các sắc tinh luyện của be, vàng thổ đậm, lục đậm, nâu đậm, lam biếc, đỏ tía – nâng hiệu quả hiện thực lên tầm vóc “siêu hình”, gây cảm giác ma thuật về khách thể, mở ra thế giới của những giấc mộng, chập chờn giữa đêm và ngày.
Sinh thời, họa sĩ bậc thầy Bùi Xuân Phái đã từng nói: “Vẽ để ai ai cũng nhận ra ngay người vẽ, mà vẽ lại không đẹp, thì vô nghĩa”.
Lim Khim Katy, bằng những yếu tố sáng tạo mới và riêng biệt – đã có lý do để tự khẳng định cho riêng mình một hình thái hội họa đẹp, giàu tính cá nhân. Và hơn thế – đó còn là một hình thái được sinh ra từ sự thật nhân bản và từ lòng thương yêu con người.
– Quang Việt
(Tạp chí Mỹ thuật, 3. 4. 2009)